Cấu thành tội phạm là những dấu hiệu chung có tính chất đặc trưng cho loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. Các yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm: khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan và chủ thể của tội phạm. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội được cấu thành tội phạm phản ánh, có thể chia cấu thành tội phạm thành: cấu thành tội phạm cơ bản; cấu thành tội phạm tăng nặng; cấu thành tội phạm giảm nhẹ.
Hành vi được xác định là tội phạm thì các tình tiết, biểu hiện của nó phải được làm rõ để xác định tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi để xử lí một cách thoả đáng. Hơn nữa, khi quyết định hình phạt, toà án “… cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”. (Điều 45 Bộ luật hình sự).
Cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm thực chất là việc xem xét và đánh giá các tình tiết tạo nên tính nguy hiểm của tội phạm, xem xét mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Luật sư có thể tham gia vụ án hình sự với tư cách là người bào chữa cho Bị cáo hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bị hại.
Tuy nhiên, dù tham gia với tư cách nào thì việc xác định cấu thành hành vi cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi một mục đích cao đẹp là: Bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình nhưng không làm xấu đi tình trạng pháp lý của người khác.
Bên cạnh hoạt động xác định cấu thành hành vi thì những kỹ năng của Luật sư để có một bài luận cứ bào chữa có giá trị bảo vệ quyền lợi cho đương sự cũng là một hoạt động vô cùng quan trọng trong quá trình hành nghề của mỗi Luật sư.
Luận cứ bào chữa là một tài liệu quan trọng kết tinh công sức của Luật sư; thể hiện kết quả của một quá trình nghiên cứu tích cực, nghiêm túc để tìm ra những tình tiết, những chứng cứ cần thiết phục vụ cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bị can, Bị cáo.
Mục đích của Luận cứ bào chữa là giúp Luật sư có điều kiện xem lại các tài liệu đã thu thập, ghi chép được; nhờ đó có thể hiểu thấu đáo hơn về nội dung vụ án. Đối với vụ án hình sự, nếu Luật sư bào chữa cho Bị cáo thì Luật sư cần chuẩn bị và nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ xác định sự vô tội hoặc giảm nhẹ Trách nhiệm hình sự cho Bị cáo. Trong trường hợp Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại thì phải nghiên cứu kỹ các tài liệu chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo và các tài liệu để chứng minh cho yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của thân chủ.
Tóm lại, với mỗi tư cách tham gia tố tụng, Luật sư phải nghiên cứu hồ sơ, tài liệu theo một định hướng khác nhau nhưng đều phải hướng tới một mục đích cao đẹp là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình nhưng không làm xấu đi tình trạng pháp lý của đối phương, nhằm giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không bỏ lọt tội phạm, không xử oan người vô tội.